Tác giả: Huang y col
(Ecovet) Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc sử dụng các nguồn tanin khác nhau ở nồng độ thấp đã giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng và năng suất sản xuất của động vật dạ dày đơn.
Từ lâu, tanin được coi là một yếu tố “kháng dưỡng” đối với động vật dạ dày đơn, nhưng ngược lại, chúng được xem xét và sử dụng trong dinh dưỡng của động vật nhai lại. Khái niệm “kháng dưỡng” của tanin có liên quan đến những tác động tiêu cực mà chúng mang lại đối với sự tiêu thụ thức ăn, khả năng tiêu hoá dinh dưỡng, và năng suất sản xuất (Theo Butler, 1992; và Redondo cùng cộng sự, 2014).
Do đó, một thực tế phổ biến là hầu hết ngành thức ăn chăn nuôi đều giảm thiểu việc sử dụng thức ăn có chứa tanin trong khẩu phần ăn của lợn và gia cầm, hoặc thực hiện các biện pháp để giảm bớt nồng độ tanin trong khẩu phần nếu sử dụng các loại thức ăn đó.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc sử dụng các nguồn tanin khác nhau ở nồng độ thấp đã giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng và năng suất sản xuất của động vật dạ dày đơn (Theo Schiavone và cộng sự, 2008; Zotte và Cossu, 2009; Biagia và cộng sự, 2010; Brus và cộng sự, 2013; Starčević và cộng sự, 2015).
Hiện vẫn chưa rõ ràng về các cơ chế tác động của tanin đối với sự thúc đẩy tăng trưởng ở động vật dạ dày đơn. Mặc dù đã có một số báo cáo chỉ ra rằng việc sử dụng nồng độ tanin thấp có thể giúp tăng lượng thức ăn tiêu thụ, từ đó làm tăng năng suất của động vật dạ dày đơn.
Thông tin hiện có cho thấy tanin có tác động đến sự thúc đẩy tăng trưởng ở động vật dạ dày đơn dựa trên sự cân bằng giữa các tác động tiêu cực (làm giảm độ ngon miệng của thức ăn và làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa chất dinh dưỡng thông qua các phức hợp protein và enzyme) và các tác động có lợi của chúng (liên quan đến hoạt tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống viêm), các tác động có lợi này sẽ giúp nâng cao tình trạng sức khỏe hệ sinh thái đường ruột của con vật.
Tác động tối ưu của tanin đối với năng suất động vật sẽ phụ thuộc vào các yếu tố:
- Thức ăn
- Loài động vật và tình trạng sinh lý của chúng
- Loại tanin và nồng độ của chúng trong khẩu phần.
So với các loài động vật khác, lợn dường như có khả năng đề kháng lại tanin trong khẩu phần ăn của chúng. Chúng có thể tiêu thụ một lượng thực phẩm giàu tanin tương đối cao mà không xuất hiện triệu chứng nhiễm độc nào (Theo nghiên cứu của Pinna và cộng sự, 2007).
Lợn có khả năng này có thể là do sự phì đại tuyến nước bọt và sự bài tiết protein giàu proline trong nước bọt của chúng. Những loại protein này có khả năng liên kết và vô hiệu hóa tác dụng độc hại của tanin (Theo nghiên cứu của Cappai và cộng sự, 2014).
Các nguồn tanin được sử dụng trong khẩu phần ăn của động vật dạ dày đơn khá hạn chế, và cho đến nay chỉ có một số ít các nguồn tanin khác nhau được nghiên cứu để chứng minh tiềm năng của chúng có thể sử dụng như một chất phụ gia thức ăn chăn nuôi. Các nguồn tanin được nghiên cứu sẽ được đề cập cụ thể bên dưới đây:
Tanin từ hạt dẻ
Tanin thủy phân từ hạt dẻ (tên khoa học là Castanea sativa Mill.) gần đây đã được đánh giá để sử dụng như một chất phụ gia thức ăn cho động vật dạ dày đơn.
Mặc dù các nghiên cứu trong ống nghiệm đã cho thấy các hoạt tính mạnh mẽ của tanin từ hạt dẻ trong việc chống lại ký sinh trùng và mầm bệnh cư trú trong đường ruột của động vật (Theo Chung và cộng sự, 1998; theo Athanasiadou và cộng sự, 2000; theo Butter và cộng sự, 2001), nhưng các nghiên cứu lại cho ra các kết quả đánh giá năng suất động vật không nhất quán với nhau.
Một thử nghiệm có bổ sung tanin hạt dẻ ở nồng độ từ 0,11% đến 0,45% vào khẩu phần ăn của lợn đã cho thấy hiệu quả cải thiện thức ăn, xu hướng gia tăng số lượng lợi khuẩn lactobacilli trong hỗng tràng, và nồng độ amoniac, isobutyric và axit isovaleric trong manh tràng giảm.
Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm cho thấy tanin hạt dẻ không có tác động đến số lượng vi khuẩn trong manh tràng và sự bài tiết khuẩn Salmonella trong phân lợn, hoặc không xâm lấn đường ruột (Theo Biagia và cộng sự, 2010).
Mặt khác, việc tăng nồng độ tanin từ 0,71% lên 1,5% sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, tuy các tham số trong thực tế như: lượng ăn vào, tốc độ tăng trưởng và khối lượng thân thịt của lợn lại không bị ảnh hưởng (Theo Bee và cộng sự, năm 2016).
Tác giả Schiavone và cộng sự (2008) đã có bài đánh giá về các tác động của việc bổ sung tanin hạt dẻ với nồng độ 0,15%, 0,20% và 0,25% đối với sự tăng trưởng ở gà thịt. Kết quả cho thấy việc bổ sung tanin hạt dẻ với nồng độ 0,20% đã làm tăng lượng ăn vào và mức tăng trọng trung bình hàng ngày. Tuy nhiên, việc tăng nồng độ tanin lên 0,25% lại cho thấy các tác động tiêu cực, vì tất cả các tham số đo lường đều thấp hơn.
Việc bổ sung tanin từ hạt dẻ vào khẩu phần của thỏ ở nồng độ 0,45% và 0,5% cũng đã chứng minh được là giúp tăng trọng và tăng lượng thức ăn tiêu thụ ở thỏ (Theo Maertens và Štruklec, 2006; theo Zoccarato và cộng sự, 2008).
Tanin từ nho
Chiết xuất hạt nho (Vitis vinifera) và bã nho chứa một lượng tanin đáng kể (Theo Choy và cộng sự, 2014), tanin từ nho đã được đánh giá để sử dụng làm chất phụ gia tự nhiên trong sản xuất thức ăn cho động vật dạ dày đơn.
Theo báo cáo của Choy và cộng sự (2014), việc bổ sung 1% chiết xuất hạt nho vào khẩu phần ăn của lợn đã làm gia tăng số lượng các lợi khuẩn Lachnospiraceae, Clostridium, Lactobacillus và Ruminococcaceae trong hệ vi sinh vật trong phân.
Họ đã phát hiện ra rằng các oligome của tanin nho chỉ được chuyển hóa một phần bởi hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến việc tạo ra các chất chuyển hóa phenolic có xu hướng được hấp thụ dễ dàng hơn. Các hợp chất phenolic này có thể đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số quần thể vi khuẩn nhất định, từ đó tạo nên các tác dụng có lợi cho ruột kết.
Tác giả Wang và cộng sự (2008) đã phát hiện ra rằng việc bổ sung tannin hạt nho ở nồng độ từ 5 đến 80 mg/kg trong khẩu phần ăn của gà thịt đã cho thấy hiệu quả cải thiện tình trạng chống oxy hóa, giảm đáng kể sự bài tiết khuẩn Eimeria tenella trong phân gà, giảm tỷ lệ tử vong, và tăng năng suất tăng trưởng ở số gà thịt bị nhiễm E. tenella.
Một số nghiên cứu khác đã đánh giá tác động của bã nho đối với năng suất của lợn và gia cầm và cho thấy rằng việc bổ sung phụ phẩm giàu tanin này ở nồng độ lên đến 10% trong khẩu phần sẽ không gây ảnh hưởng gì đến năng suất tăng trưởng của gà thịt. Mặt khác, nó còn giúp cải thiện tình trạng chống oxy hóa của gà thịt cũng như tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột của chúng (Theo Brenes và cộng sự, 2008; Chamorro và cộng sự, 2015).
Các tác giả Yan và Kim (2011) đã chứng minh rằng việc bổ sung bã nho trong khẩu phần ăn của lợn ở mức 0,3% đã giúp cải thiện năng suất tăng trưởng, khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng và thay đổi mô hình axit béo ở lớp mỡ dưới da, cũng như giúp cải thiện các thuộc tính khác của thịt lợn.
Bã nho cũng được phát hiện là giúp tăng cường hoạt tính chống oxy hóa và giảm hấp thụ độc tố nấm mốc trong đường ruột của lợn. Tuy nhiên, tác dụng của bã nho không thể chỉ quy cho mỗi hợp chất TC trong nó vì bã nho còn chứa các hợp chất phenolic khác.
Các nguồn tanin khác
Một số nghiên cứu đã đánh giá các nguồn tanin khác có thể sử dụng cho động vật dạ dày đơn. Tác giả Iji và cộng sự (2004) báo cáo rằng việc bổ sung chiết xuất tanin từ cây Mai Dương (tên khoa học là Mimosa pudica) với các nồng độ 0,5%, 1,5%, 2,0% và 2,5% trong khẩu phần ăn của gà thịt đã làm giảm lượng ăn vào và giảm mức tăng trọng. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng thức ăn của gà thịt đã được cải thiện khi bổ sung tanin ở nồng độ dưới 1,5%.
Tác giả Cappai và cộng sự (2014) đã phát hiện ra rằng việc bổ sung tanin từ quả sồi (tên khoa học là Quercus pubescens Willd.) vào khẩu phần đã không làm ảnh hưởng đến lượng ăn vào, mà còn cho thấy hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện.
Tanin từ hạt điều đỏ (tên khoa học là Schinopsis lorentzii) đã được đánh giá là có tác dụng giúp giảm bệnh cầu trùng ở gà thịt (Theo Cejas và cộng sự, 2011).
Nghiên cứu tiết lộ rằng việc bổ sung 10% tanin chiết xuất từ hạt điều vào khẩu phần đã cho thấy khối lượng thân thịt tăng lên ở số gà bị gây nhiễm, tăng tỷ lệ lông nhung/ống ruột (tỷ lệ C/V) trong ruột, và giúp giảm bài tiết noãn nang trong phân gà.
Nguồn: nutrinews.com
Biên dịch: Ecovet Team